– Theo một thống kê đáng kinh ngạc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ (CDC – Centers for Disease Control and Prevention) cho thấy rằng 62.5% dân số Mỹ đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Trung tâm này cũng cho rằng việc kiểm tra tình trạng thừa cân, béo phì nên dựa vào chỉ số BMI. Chắc là anh Duy và tất cả các bạn đang tập Gym đều biết đến chỉ số này. Chỉ số BMI các bạn sẽ thường gặp trên kết quả đo Inbody test và chỉ số này được tính theo bảng dưới đây:
– Nếu như các bạn đang trong tình trạng lo lắng về các căn bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường hoặc cảm thấy cơ thể quá béo hay quá gầy thì chắc chắn 1 điều rằng: cho dù là bạn là người bệnh hay là người khỏe, cho dù là người mập hay là người ốm đi nữa thì sẽ luôn quan tâm đến 1 vấn đề đó là trong cơ thể chúng ta có bao nhiêu lượng mỡ? Vậy thì có thể nói rằng chất béo là điều mà chúng ta vô cùng quan tâm. Và việc thừa cân hay giảm mỡ luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải giảm mỡ như thế nào? Bằng phương pháp nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe? Chúng ta cứ lao vào tập luyện và ăn kiêng nhưng đã bao giờ các bạn tự hỏi “Chất béo trong cơ thể mình là bao nhiêu và nó như thế nào?”, “Cơ chế của nó ra làm sao?”, “Cách nó hình thành trong cơ thể chúng ta như thế nào?”
– Trong bài học trước thì anh Duy đã đề cập đến khái niệm cơ bản, những công thức hóa học của chất béo. Và trong chủ đề ngày hôm nay thì anh Duy đã sẵn sàng cắt nghĩa cho các bạn về chất béo ở mức độ tế bào, chất béo ở dưới da và trong nội tạng như thế nào chưa anh?
DN: Xin chào các bạn đến chương trình THOL School. Đầu tiên Thu Hương hù các bạn về chỉ số BMI, trên 25 là thừa cân, nhưng mà thừa cân chưa có nguy hiểm, chỉ số BMI trên 30, béo phì mới thật sự đáng lo ngại, béo phì là 1 căn bệnh rất nguy hiểm. Anh thì cũng trên 25, anh cũng đang thừa cân nhẹ!
MC: Như lời anh Duy nói thì Hương xin đào sâu vấn đề là có nhiều bạn mỡ ít, cơ nhiều nhưng mà người ngoài xã hội không tập Gym nhìn vào thì cảm giác có gì đó hơi quá khổ. Hương xin được nói bạn đó nên kiểm tra lại BMI của mình có trên 25 hay trên 30 không.
DN: Cái đó gọi là mất cân đối. Khi cái gì đó mà đi ra quá giới hạn thì nó không còn bình thường nữa. Ví dụ như 1 người chạy quá nhanh, nhanh hơn tất cả mọi người thì người đó cũng không là bình thường, người đó là “một vận động viên điền kinh phi thường”. Quay lại vấn đề “chất béo”, trong video này, anh muốn gửi đến các bạn bài học về “Những loại chất béo nào trong cơ thể chúng ta cần phải quan tâm? Và chất béo nằm ở đâu?”. Bây giờ anh hỏi Thu Hương, chất béo nằm ở đâu?
Chất béo nằm ở vị trí nào trên cơ thể?
MC: Chất béo thì chúng ta thường thấy có ở dưới da, như anh Duy từng nói: “Chất béo là miếng đệm cho cơ thể và cho các cơ quan nội tạng”. Vậy là nó nằm dưới da và trong nội tạng.
DN: Ở con người, chất béo nằm ở những vị trí nào?
Thứ nhất là nằm ở dưới da, dưới các mô mỡ như Thu Hương đã nói và nó còn nằm ở xung quanh nội tạng của chúng ta, như ở trong gan, ở trong cơ. Các bạn nên biết rằng trong cơ vẫn có chất béo, cụ thể là các sợi cơ bền loại I, nó chứa 1 lượng chất béo trong đó.
MC: Em vẫn còn có thắc mắc là việc phân bố mỡ có liên quan đến giới tính không? Vì em thấy đa số phụ nữ thường có nhiều mỡ hơn nam giới.
DN: Đương nhiên việc phân bố mỡ có liên quan đến giới tính và ngay cả trong cùng một giới tính thì cũng có sự khác biệt với nhau. Với phụ nữ, ngoài chiều cao, cấu trúc xương, các ảnh hưởng của nội tiết tố thì sự phân bố mỡ trong cơ thể cũng vô cùng quan trọng, nó sẽ tạo ra các đường cong hình thể riêng biệt cho từng người.
Mỡ hình thành khi nào?
– Bây giờ quay lại vấn đề “Mỡ trong cơ thể được hình thành khi nào?”. Chúng ta sẽ xét thời điểm mà chúng ta còn là 2 hạt cơ bản, sau đó kết hợp với nhau và phát triển thành bào thai. Các bạn nữ nào sinh con rồi sẽ biết đến khái niệm “tam cá nguyệt”. “Tam cá nguyệt” là cách xác định chu kì của bào thai tính từ giai đoạn tuần thứ 28 trở đi. Ở giai đoạn này thì giới tính thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, khi mà các hormone giới tính sinh ra mãnh liệt như vậy thì sẽ hình thành luôn các tế bào mỡ. Và giai đoạn thứ 2 là giai đoạn lúc dậy thì, các hormone testosterone và ostrogen sinh ra nhiều, lúc đó cơ thể sẽ xác định một lần nữa là nên tạo ra thêm bao nhiêu tế bào mỡ. Vấn đề sản sinh thêm các tế bào mỡ này phụ thuộc vào di truyền và tạo hóa. Vấn đề này hiện nay chúng ta chưa thể kiểm soát được, nhưng trong tương lai con người chế tạo ra loại thuốc có thể kiểm soát lượng tế bào mỡ trong cơ thể hay không thì vẫn chưa có thể nói trước điều gì cả. Các tế bào mỡ trong cơ thể đa số hình thành trong 2 giai đoạn này, hầu như sau giai đoạn dậy thì, cơ thể sẽ không sinh ra thêm tế bào mỡ nữa. Nhưng có 1 ngoại lệ, tế bào mỡ trong cơ thể sẽ có sự thay đổi nếu sau khi dậy thì bị mắc bệnh béo phì. Đây là bệnh béo phì chứ không phải do ăn uống mà ảnh hưởng đến ngoại hình và sức khỏe. Béo phì như vậy thì tế bào mỡ có thể gia tăng gấp đôi. Và một hiện tượng dẫn đến thay đổi tế bào mỡ nữa đó là can thiệp bằng phẩu thuật thẩm mĩ, hay còn gọi là đi “hút mỡ”. Còn đối với người bình thường, nếu bạn thấy một người thay đổi về hình dáng từ đang “mập ú” sang “thon gọn” sau một thời gian tích cực tập luyện thể thao thì là do các tế bào mỡ xẹp lại, teo lại thôi chứ không mất đi. Tóm lại, việc bạn mập hay ốm là do tế bào mỡ của bạn teo hay không teo chứ số lượng tế bào mỡ không hề thay đổi.
Các loại mỡ thường gặp
MC: Nói về mỡ, có rất nhiều thông tin và tài liệu khác nhau như là mỡ nâu, mỡ trắng, chất béo cứng, chất béo mềm. Vậy thì với các khái niệm này, anh Duy có thể phân tích cho các bạn hiểu được không?
DN: Xét về góc độ vật lý, khối chất béo khi ta bóp vào thấy nó mềm. Đó là chất béo mềm, thấy nó cứng, không bóp được thì đó là chất béo cứng nhưng thuật ngữ “mỡ cứng, mỡ mềm” cũng không phổ biến cho lắm. Các bạn có thể hiểu ngắn gọn rằng “mỡ cứng” là mỡ nội tạng, “mỡ mềm” là mỡ dưới da. Vì vậy chuyện mỡ bụng có 2 vấn đề cần giải quyết đó là mỡ cứng và mỡ mềm. Còn khái niệm mỡ nâu, mỡ trắng, đặc biệt mỡ trắng là vấn đề chúng ta cần đi sâu tìm hiểu nhất thì chúng ta sẽ bàn luận sau.
Mỡ nâu
– Bây giờ đề cập đến mỡ nâu trước. Mỡ nâu có nhiều trong trẻ sơ sinh và những người trong các bộ tộc sống ở những nơi lạnh giá như là người Eskimo. Mỡ nâu cũng là mỡ bình thường, nhưng nó đặc biệt là có thể sinh ra năng lượng trực tiếp dạng nhiệt để sưởi ấm cơ thể. Đứa trẻ mới sinh ra sẽ có rất ít mỡ trắng mà ngược lại mỡ nâu rất nhiều, như vậy mỡ nâu sẽ chia nhỏ ra thành các axit béo để đốt trong các ti thể sinh ra nhiệt lượng giữ ấm cho cơ thể. Khi đứa bé lớn lên, ăn nhiều thức ăn khác nhau thì sẽ sinh ra thêm các mỡ trắng. Mặt dù khi sinh ra, trong cơ thể đứa bé đã có mỡ trắng, nhưng trong các tế bào mỡ trắng này chưa có các axit béo nằm trong đó. Càng lớn, mật độ số lượng mỡ nâu càng thưa dần, mỡ nâu ở phụ nữ và đàn ông cũng khác nhau. Mỡ nâu thường nằm tập trung ở vùng cổ, vai. Còn trong công nghiệp nghiên cứu về giảm béo, người ta tập trung vào khái niệm mỡ nâu sinh ra nhiệt để sưởi ấm. Ví dụ như khi tập tạ về, thay vì tắm nước ấm, ta tắm nước lạnh để kích thích mỡ nâu sinh nhiệt. Có vài nghiên cứu cho thấy rằng, khi mà mỡ nâu được kích thích để sinh nhiệt sưởi ấm cơ thể thì nó cũng đồng thời đốt đi các tế bào mỡ trắng.
– Tuy nhiên, việc mỡ nâu kích thích để sinh nhiệt sưởi ấm cơ thể thì nó cũng đồng thời đốt đi các tế bào mỡ trắng vẫn chưa được công nhận chính thức. Các nhà nghiên cứu lợi dụng đặc điểm này của mỡ nâu để tạo một hướng đi mới trong việc chống lại căn bệnh béo phì. Ở nước ngoài, vào mùa đông thường có các hoạt động tắm hoạt ngâm mình trong nước lạnh cũng có 1 phần để kích thích mỡ nâu. Tuy nhiên đối với người lớn chúng ta, lượng mỡ nâu chỉ còn lại khá ít, hầu như không đáng kể.
MC: Vậy anh có nghĩ rằng, giữa người gầy và người béo có sự khác biệt về sự phân bố mỡ nâu không?
DN: Đúng, trên lý thuyết là người gầy có nhiều mỡ nâu hơn người béo. Mỡ trắng là loại mỡ nhiều, khối lượng và số lượng của nó rất lớn, nó gây ra bệnh béo phì cho chúng ta, còn mỡ nâu thì có rất ít. Và đối với người trưởng thành ở những vùng địa lí bình thường thì hầu như lượng mỡ nâu bằng 0.
MC: Vậy theo anh người béo phì ở những nơi khí hậu lạnh thì sẽ cảm thấy không ấm áp như người gầy không?
DN: Do anh không ở khí hậu lạnh, anh không thể trả lời được. Còn bạn nào ở khí hậu lạnh thì có thể trả lời. Còn nếu anh sống ở vùng nhiệt đới mà anh trả lời ở khí hậu lạnh thì nó cũng chỉ mang tính chất sách vở thôi, nó không có yếu tố thực tiễn. Và mỡ nâu này thường có nhiều trong các loài vật ở xứ lạnh có tập tính ngủ đông suốt nhiều tháng liền như gấu, dơi,…
Mỡ trắng
– Còn bây giờ nói về mỡ trắng – loại mỡ có nhiều và vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe chúng ta. Mỡ trắng có 2 nhiệm vụ chính là dự trữ các axit béo để sinh năng lượng khi cần thiết và sản sinh hormone Adiponectin đi vào máu. Adiponectin là hormone gần giống với hormone Insulin, giúp tăng độ nhạy của Insulin. Ở một mức độ bình thường, hormone này giúp Insulin hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, khi bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì hormone Adiponectin này sẽ làm việc kém hiệu quả hoặc có thể ngừng làm việc dẫn đến làm mất độ nhạy của Insulin. Việc này sẽ khiến bạn có nguy cơ dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường hơn so với người bình thường. Do đó, khi mắc chứng béo phì, bạn có thể mắc thêm nhiều căn bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, … Chính vì thế, khi tập luyện thể dục thể thao, chúng ta phải hạn chế sự tích tụ của loại mỡ trắng này ở một mức độ cho phép.
Mỡ dưới da
– Tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến mỡ dưới da. Mỡ dưới da là loại mỡ có tỉ lệ nhiều nhất trên cơ thể. Mỡ dưới da nằm ở rất nhiều nơi trên cơ thể như mỡ bụng, mỡ mông, mỡ đùi, thậm chí cả ngực cũng có. Tuy nhiên, cũng tùy theo giới tính mà sự phân bố mỡ dưới da cũng có sự khác nhau. Ở nam, mỡ dưới da thường tập trung nhiều ở bụng, mông và cả ngực nữa. Còn phụ nữ thì mỡ lại tập trung nhiều ở mông, hông, đùi và vú. Duy dùng từ “vú” cho nó chính xác vì “ngực” và “vú” là khác nhau, khi nào đến bài giảng về “Ngực phụ nữ” thì Duy sẽ đề cập chi tiết hơn cho các bạn hiểu. Tuy nhiên, sự phân bố mỡ ở từng cá nhân cụ thể thì còn phụ thuộc rất nhiều vào tạo hóa, chúng ta không thể thay đổi được. Chúng ta chỉ có thể làm cho nó hạn chế lại hoặc là làm cho nó “phát dương quang đại” trở lên. Giống như việc mỡ chúng ta phân bố đẹp rồi thì chúng ta tập luyện để nó trở nên hoàn hảo hơn nữa, còn lỡ như mỡ phân bố không đẹp như ý muốn thì chúng ta cũng tập luyện để cải thiện nó. Đó chính là lí do mà vì sao Gym ra đời làm cho chúng ta đẹp hơn.
Mỡ bụng
– Mỡ dưới da mà nằm ở bụng là một “báo động” nguy hiểm. Còn mỡ nằm ở mông, đùi thì không có gì đáng ngại cả, thậm chí đó còn được gọi là “mỡ thẩm mĩ”. Vì vậy mỡ ở mông, đùi thì luôn mang lại vẻ sexy cho cả nam và nữ. Do đó ai cũng ước mơ rằng “Ước gì mỡ bụng của mình chuyển xuống mông, ước gì mỡ bụng mình chuyển xuống đùi”. Tất nhiên điều đó không thể xảy ra vì mỡ sẽ giảm đều hết. Vì vậy bạn nào có vấn đề với mỡ mông hay mỡ đùi thì chẳng cần lo lắng, vì đó là mỡ thẩm mĩ, không ảnh hưởng sức khỏe. Còn mỡ nằm ở bụng mới ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là nó còn có “bà con” với bệnh tiểu đường, rất là nguy hiểm.
– Nếu như mỡ mông, mỡ đùi được coi là mỡ thẩm mĩ thì mỡ bụng cũng được ví von là mỡ “mất thẩm mĩ”. Mỡ bụng ngoài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì nó cũng sẽ gây mất thiện cảm của người khác khi tiếp xúc với bạn, gây khó khăn và khó chịu trong việc lựa chọn hay mặc quần áo. Theo quan điểm của Duy: “Tập gym thành công là không mỡ bụng”. Nhưng không phải hoàn toàn là không có mỡ tuyệt đối, ít nhất là có 6 múi mờ mờ cũng đã được xem là thành công. Còn nếu như bạn tập Gym mà bụng bạn láng o, phẳng phiêu thì xem như bạn đã thất bại. Bạn thất bại thì hãy cố gắng tập luyện để với tới thành công chứ đừng ngụy biện rằng “Tôi đang xả cơ”.
MC: Cho nên có những anh chàng mà cơ tay, cơ chân chưa to nhưng có cơ bụng 6 múi đẹp thì họ vẫn tự tin hơn những chàng trai mà tay chân to nhưng bụng lại tròn vo đúng không anh ?
DN: Đúng, ít ra là họ khỏe hơn, sức khỏe không có vấn đề. Các bạn nên ghi nhớ câu nói của anh đã chia sẻ “Tập Gym thành công là không mỡ bụng”.
Mỡ nội tạng
– Nếu như mỡ dưới da bạn có thể nhận biết bằng các động tác sờ mó, bóp, nhéo, véo, … Còn mỡ nội tạng thì sao? Chúng ta có thể đến bệnh viện để khám, sử dụng máy đo Inbody Test 770 của THOL để đo hoặc chúng ta có thể suy đoán khi thấy bụng mình bự, quá khổ nghĩa là mình có mỡ nội tạng. Bụng bạn to là do mỡ nội tạng và mỡ dưới da bụng tạo ra. Mỡ nội tạng hay còn gọi là mỡ cứng được xem là loại mỡ nguy hiểm nhất trong các loại mỡ. Mỡ này cũng sinh ra các bệnh cực kì nguy hiểm như cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, … Vì vậy, khi tập Gym mà có mỡ nội tạng là xem như thất bại, bất kể cơ bắp của bạn bao nhiêu cũng không có ý nghĩa gì nữa.
Mỡ mông, mỡ đùi
– Còn bây giờ chúng ta đề cập đến vùng phân bố mỡ cuối cùng đó là mỡ mông, mỡ đùi. Như Duy đã nói ở trên, nếu đàn ông có xu hướng tích mỡ ở bụng thì phần lớn phụ nữ lại tích mỡ ở hông, mông và đùi. Những người phụ nữ có sự phân bố mỡ ở các vùng này đẹp thì bạn nên tự hào vì bạn hưởng được một lợi thế về thẩm mĩ, dễ dàng diện lên các trang phục khác nhau để tôn lên vẻ đẹp của mình. Cái lợi thứ hai đó là sự chuyển hóa năng lượng rất tốt. Tuy nhiên, sau tuổi tiền mãn kinh, tức là khoảng từ 40 tuổi trở đi thì lợi thế này sẽ không còn nữa, lúc này phụ nữ có xu hướng chung là tích mỡ bụng. Đây chính là giai đoạn mà chị em phụ nữ nên đi tập thể dục nhiều để đảm bảo sức khỏe. Bạn còn trẻ thì mỡ mông, mỡ đùi nhiều là không sao cả. Nhưng chỉ nhiều ở một giới hạn thôi nhé, nếu mà quá nhiều ở chỗ đó thì suy ra mỡ ở chỗ khác cũng nhiều cho nên bạn hãy giảm mỡ đi để vùng phân bố mỡ đẹp hơn. Nó sẽ tạo cho bạn một lợi thế trong công việc, cuộc sống và cả sức khỏe nữa.
MC: Những con số ấn tượng mà Thu Hương muốn chia sẻ đến các bạn trong phần cuối của video này đó là theo một thống kê, đối với người bình thường thì sẽ có khoảng 10 tỷ cho đến 30 tỷ tế bào mỡ. Và khi các bạn giảm cân thì số lượng tế bào mỡ này không giảm đi mà chẳng qua là do nó teo lại thôi và nó sẽ phình ra khi bạn tăng cân. Đối với người thừa cân, béo phì thì số lượng tế bào mỡ có thể gấp đôi so với người bình thường. Các tế bào mỡ sẽ lưu trữ chất béo dưới dạng Triglyceride. Và việc chất béo được hình thành và đi vào cơ thể như thế nào, mời các bạn xem chi tiết tại bài viết này.